Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

           I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN CƯ

1.  Vị trí địa lý

Xã Đồng Tiến nằm ở phía Tây của huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện 21km. Ranh giới xã được xác định:

- Phía Bắc giáp xã Thiện Tân, Thanh Sơn;

- Phía Nam giáp xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang,

- Phía Đông giáp xã Vân Nham,

- Phía Tây giáp xã Đồng Hưu, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

2. Dân cư

Đến tháng 7 năm 2020 xã Đồng Tiến có 4.252 nhân khẩu/988 hộ/8 thôn, trong đó: Nam 2.194 người, nữ 2.058 người, lao động trong độ tuổi 2.830 người.

Thành phần dân tộc có 05 dân tộc chính là: Nùng, Kinh, Tày, Cao Lan, PaCô. Trong đó dân tộc Nùng là 3.363 người chiếm 79,1%; dân tộc Kinh là 745 người chiếm 17,52%,; dân tộc Tày là 94 người chiếm 2,21%; các dân tộc khác chiếm 1,18%

- Thôn có đông dân cư nhất là Mỏ ám 850 nhân khẩu/186 hộ.

- Thôn có dân cư ít nhất là Đèo Cáo-Lân Chàm 334 nhân khẩu/81 hộ.

- Xã có 08 thôn gồm: Đèo Cáo-Lân Chàm, Mỏ ám, Làng Quặng, Làng Gia, Làng Cà, Liên Phương, Địa Phận, Lân Luông.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

 1. Địa hình, đất đai, thổ nhưỡng

- Xã Đồng Tiến là một xã miền núi, có địa hình phức tạp trong đó phần lớn diện tích là đồi núi, hướng chủ yếu chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam xen kẽ với các dòng suối và khe nước nhỏ. Địa hình xã Đồng Tiến rất phong phú đa dạng, xen kẽ giữa các đồi núi là những cánh đồng bằng phẳng, phía Bắc có dãy núi đá thuộc vòng cung Bắc Sơn. Để canh tác có hiệu quả, các thế hệ người dân Đồng Tiến đã trải qua quá trình cải tạo đất dốc, sườn đồi thành những cánh đồng trồng lúa. Để đối phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ngay từ thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp những năm 1960 huyện xây dựng hồ Chiến Thắng để chứa nước và xây dựng hệ thống kênh mương, nguồn nước để sản xuất của xã Đồng Tiến phụ thuộc chính vào hồ Chiến Thắng và các dòng suối, ao hồ trên địa bàn.

- Tổng diện tích tự nhiên: 2.117,7 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp 1.590 ha (đất sản xuất nông nghiệp 968,62 ha, đất lâm nghiệp 587,41 ha, đất nuôi trồng thủy sản 33,96 ha); đất phi nông nghiệp 236,91 ha (đất ở 44,75 ha, đất chuyên dùng 147,64 ha, đất cơ sở tín ngưỡng 0,59 ha, đất nghĩa trang 3,59 ha, đất suối 9,53 ha, đất có nặt nước chuyên dùng 30,81 ha); đất chưa sử dụng 290,8 ha (đất bằng 1,41 ha, đất đồi núi 0,09 ha, núi đá không có rừng 289,3 ha)

2. Khí hậu, thủy văn

Xã Đồng Tiến chịu sự ảnh hưởng của khí hậu vùng núi phía Bắc, khô lạnh và ít mưa về mùa đông, nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè. Nhiệt độ trung bình năm là 22,70C. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 28,50 vào tháng 7. Nhiệt độ trung bình thấp nhất là 2,50C vào tháng 1. Xã Đồng Tiến thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 4 mùa rõ rệt, khu vực chịu ảnh hưởng của 2 luồng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió Đông Nam.

Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.488,2mm với 135 ngày mưa trong năm và phân bố từ 13-17 ngày/tháng, tăng dần từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng tháng 10 chiếm trên 90% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và chiếm trên 9% lượng mưa cả năm.

Chế độ thủy văn chịu sự chi phối bởi các con suối, hồ chứa và hệ thống mương thủy lợi. Đây là nguồn cung cấp nước cho các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Nhìn chung điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết của xã tương đối thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

3. Tài nguyên rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 587,41 ha chiếm 27,7% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất rừng của xã là rừng sản xuất chủ yếu là bạch đàn và keo phục vụ cho nguyên liệu giấy và nguồn chất đốt của gia đình đem lại giá trị lớn cho ngành nông - lâm nghiệp.

4. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt gồm có hồ chứa nước Chiến Thắng và tuyến kênh dẫn nước dài 7km, cùng nhiều ao chứa và các dòng suối nhỏ, khe nước nhỏ như Hố Mười, Hố Chuối, Hố Lật, Lân Bạc, Làng Gia, Liên Phương, Giếng Cà….tạo điều kiện khá thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Nguồn nước ngầm chưa được khảo sát cụ thể nhưng qua thực tế sử dụng của nhân dân cho thấy đối với giếng đào có độ sâu từ 9-15m, đối với giếng khoan gia đình loiaj nhỏ có độ sâu từ 15-50m.

5. Khoáng sản

Có 337,18 ha núi đá là nguồn đá vôi phục vụ cho ngành khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu cho các nhà máy xi măng. Có nguồn quặng sắt nghèo và phốt pho rít nhưng trữ lượng không lớn.

6. Giao thông

- Xã Đồng Tiến có điều kiện giao thông thuận tiện, trên địa bàn xã có tuyến đường tỉnh lộ 242 chạy qua nối huyện Hữu Lũng với huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang; ngoài ra còn có các tuyến đường liên xã, liên thôn thuận tiện giao thông đi lại của Nhân dân. Hệ thống giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã không ngừng được nâng cấp; các đường được mở rộng phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh, tạo điều kiện cho việc thông thương, giao lưu hàng hóa với các xã, huyện trong tỉnh và cả nước. Để giúp nhân dân các dân tộc trong xã trao đổi hàng hóa với các địa phương khác, năm 1987 chính quyền xã đã thành lập chợ Đồng Tiến tại trung tâm xã, tổng diện tích thực sử dụng 1.400 m2, chợ họp 10 ngày 04 phiên vào các ngày 1, 4, 6, 9 âm lịch hàng tháng, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi thương mại của xã. Đường giao thông và chợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong huyện và các huyện của tỉnh bạn.

7. Hệ thống chính trị

Xã Đồng Tiến có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định gồm: Đảng bộ, HĐND, UBND, UBMTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn cơ sở. Đảng bộ xã có 12 chi bộ với 147 đảng viên, có 17 đồng chí đã được tặng huy hiệu từ 30 năm đến 60 năm tuổi đảng, không có chi bộ yếu kém, Đảng bộ, chính quyền liên tục nhiều năm đạt Hoàn thành tốt nhiệm vụ, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đa số đạt vững mạnh.

Tổng số CB, CC xã là 28 người, trong đó: cán bộ chuyên trách 10 người, công chức 10 người, cán bộ không chuyên trách xã 8 người. Tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn đạt 100%. Thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, cán bộ được kiện toàn sắp xếp phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. Duy trì chế độ trực đảm bảo 40 giờ/tuần tại công sở để tiếp dân và giải quyết công việc. Hàng năm cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thu ngân sách đảm bảo chỉ tiêu trên giao.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư được giải quyết kịp thời, không để tồn đọng kéo dài, gây búc xúc trong nhân dân. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính ở cơ sở theo cơ chế “Một cửa”.Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo, các vụ việc xảy ra được ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển và hoạt động tốt, phát huy hiệu quả cao trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

III. CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

- Là một địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống xen kẽ, hoà thuận với nhau trên một địa bàn cư trú đã tạo nên cho địa phương một đời sống văn hoá tinh thần hết sức đa dạng, phong phú; Nhân dân các dân tộc xã Đồng Tiến không có dân tộc nào có đạo riêng, chủ yếu theo tập quán ông cha để lại là thờ cúng tổ tiên tại gia đình, các tập tục ma chay cưới gả, hiếu hỷ đều theo truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.... tuy nhiên, phong tục tập quán ở Đồng Tiến cũng có những tiết lệ riêng của làng xã; các dân tộc thiểu số vẫn giữ được nét văn hóa riêng như hát sli, lượn của dân tộc Tày, Nùng.

Để duy trì những phong tục tập quán và những nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc, Nhân dân các thôn trong xã đã đầu tư xây dựng 03 ngôi đình, đền là: Đình Mỏ Ám ở thôn Mỏ Ám, Đình Làng Cà ở thôn Làng Cà và Đền Mỏ Phớt ở thôn Lân Luông. Ngày nay các nghi lễ cộng đồng ở đình, đền, các sinh hoạt văn hóa trong dịp hội làng, lễ tết cổ truyền vẫn được Nhân dân gìn giữ diễn ra khá sinh động, phong phú. Truyền thống văn hóa của Nhân dân các dân tộc xã Đồng tiến là thành quả kết tinh qua nhiều thế hệ, qua quá trình bền bỉ lao động sản xuất cải tạo thiên nhiên, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ xóm làng, bảo vệ nền độc lập đã được hun đúc, góp phần làm phong phú bản sắc làng xã Việt Nam. Tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Tiến đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 Nhân dân xã Đồng Tiến sống trong địa bàn hoạt động của bọn phỉ Mai Triển Nam, chúng câu kết với thực dân Pháp tàn phá cướp bóc Nhân dân ở các làng bản, dưới ngọn cờ chống Pháp của thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh từ năm 1882 đến năm 1888 và cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Nhân dân xã Đồng Tiến đã nhất tề cùng với các cuộc khởi nghĩa vùng dậy giết giặc cứu nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử với sự gắn kết của tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần kiên cường bất khuất chống giặc đã trở thành truyền thống yêu nước của Nhân dân các dân tộc xã Đồng Tiến.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03 tháng 02 năm 1930, Nhân dân xã Đồng Tiến được Đảng dẫn đường chỉ lối truyền thống tương thân, tương ái, truyền thống văn hoá; truyền thống chiến đấu kiên cường bất khuất để bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát huy mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Đồng Tiến cùng Nhân dân cả nước đập tan xiềng xích nô lệ, giành lại độc lập tự do cho quê hương đất nước, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đập tan chính quyền đế quốc, phong kiến tay sai, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc: kỷ nguyên Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975), Nhân dân xã Đồng Tiến đã cùng Nhân dân cả nước san sẻ sức người, sức của thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hoàn thành nghĩa vụ hậu phương, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Hai cuộc kháng chiến đã qua, cũng như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 02 năm 1979 đã có biết bao người con ưu tú của quê hương Đồng Tiến đã ngã xuống cho độc lập - tự do của dân tộc; nhiều gia đình và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng bằng có công với nước. Đặc biệt có các bà Trần Thị Hợp thôn Mỏ Ám, Đinh Thị Yểng thôn Liên Phương, Lăng Thị Nàng thôn Làng Cà được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xã có 18 liệt sỹ, 10 thương binh, bệnh binh, 04 người bị giặc bắt tù đày và ảnh hưởng chất độc màu da cam.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là một địa phương có nhiều tiềm năng lớn cùng với con người, cần cù và sáng tạo trong lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xã Đồng Tiến đã và đang chuyển mình cùng cả nước từng bước thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

III. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Xưa kia xã Đồng Tiến là một phần đất thuộc xã Vân Nham. Đầu thời Nguyễn, Hữu Lũng có 4 tổng (Hữu Thượng, Hưng Vĩ, Vân Nham, Thuốc Sơn) với 28 xã, Vân Nham thuộc tổng Vân Nham. Ngày 05 tháng 11 năm 1889 thực dân Pháp cắt toàn bộ đất đai của Hữu Lũng để thành lập tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam chỉ tồn tại đến tháng 8 năm 1891 và được thay thế bằng Đạo quan binh Phả Lại; ngày 10 tháng 10 năm 1895 Đạo quan binh Phả Lại giải tán, tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm hai phủ Lạng Giang và Đa Phúc, lúc này Vân Nham thuộc Hữu Lũng phủ Lạng Giang (và thuộc Đạo quan binh Yên Thế). Ngày 11 tháng 04 năm 1900, Hữu Lũng nằm trong tỉnh Bắc Giang đến năm 1908 đổi thành châu Hữu Lũng gồm 02 tổng Vân Nham và Thuốc Sơn với 16 xã. Xã Vân Nham thuộc tổng Vân Nham, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời bỏ cấp tổng, xã Vân Nham thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Giang. Tháng 11 năm 1953, xã Vân Nham tách thành 04 xã Xã Vân Nham, Thanh Sơn, Đồng Tiến, Đô Lương; thôn Mỏ Ám, Lân Chàm của xã thiện Kỵ sáp nhập với xã Đồng Tiến.

Chín năm trường kỳ gian khổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 07 tháng 5 năm 1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Nhân dân Đồng Tiến cùng toàn Đảng, toàn dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chính quyền Nhân dân, khắc phục những khó khăn do chiến tranh và chế độ cũ để lại, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau đợt giảm tô, cải cách ruộng đất, ngày 19 tháng 7 năm 1956, nhân việc thành lập Khu tự trị Việt Bắc, theo quyết định của Chính phủ, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn, xã Đồng Tiến thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.

Trải qua quá trình lịch sử, vùng quê Đồng Tiến đã có nhiều sự đổi thay, dân cư làng xã càng ngày thêm đông, số thôn xóm cũng tăng lên; năm 1962 Nhân dân xã Liên Phương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây lên xây dựng kinh tế mới, chính quyền xã sắp xếp Nhân dân ổn định nơi ăn chốn ở và thành lập thôn Liên Phương. Hiện nay xã Đồng tiến có 08 thôn gồm: Thôn Đèo Cáo – Lân Chàm, thôn Mỏ Ám, thôn Làng Quặng, thôn Làng Gia, thôn Làng Cà, thôn Liên Phương, thôn Lân Luông, thôn Địa Phận. Tất cả các thôn đều có chi bộ Đảng lãnh đạo, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

About